Trẻ càng lớn lên càng có nhiều nhu cầu khám phá thế giới và khám phá chính bản thân trẻ. Thế nhưng, tôn trọng trẻ không có nghĩa là chấp nhận mọi nhu cầu hay đòi hỏi của trẻ. Nhu cầu nào cần được tôn trọng trẻ? Nhu cầu nào cần sự hướng dẫn của người lớn? Ví dụ một bé 3 tuổi đang đòi đi giày cao gót của mẹ để đi học. Vậy có cho trẻ được đi thử không? Là cha mẹ, chúng ta không nên nuông chiều cũng không nên quá khắt khe với trẻ. Vậy đâu là ranh giới giữa tôn trọng trẻ và nuông chiều? Ví dụ một trẻ 3 tuổi có thể nổi giận bất kỳ lúc nào và lăn đùng ra ăn vạ trước nơi đông người. Vậy có cho trẻ được làm như thế không? Hãy cùng Phần mềm giáo dục Tomia tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Để giải quyết hai ví dụ điển hình ở trên, Janet Lansbury đưa ra một số ghi nhớ để cha mẹ quyết định có can thiệp hay không và cách can thiệp mà vẫn đảm bảo sự tôn trọng trẻ.
NHỮNG NHU CẦU CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG
1. Nhu cầu thể hiện cảm xúc
Cảm xúc là biểu hiện rõ ràng nhất của cái tôi cá nhân. Do đó, cảm xúc của trẻ rất cần được tôn trọng, trẻ cần được biết rằng cha mẹ sẽ luôn kiên nhẫn và cố gắng thấu hiểu mọi cảm xúc của trẻ cho dù là vui vẻ, hạnh phúc, bực tức, ganh tị, cáu giận… Điều này thực sự không dễ dàng bởi chúng ta thường xuyên bị kéo theo cảm xúc của trẻ: trẻ giận, chúng ta cũng sẽ nổi giận, trẻ la hét, chúng ta còn hét to hơn. Chúng ta trở nên sợ hãi cảm xúc mà tìm cách gạt bỏ nó, bằng cách làm sao nhãng trẻ, phạt trẻ hay thậm chí phủ nhận ngược lại “có gì đâu mà khóc!” “không sao đâu!”. Điều cha mẹ cần luyện tập là: chấp nhận rằng cho dù làm cách nào, chúng ta cũng không thể kiểm soát được cảm xúc của trẻ hay của người khác, mà chỉ có thể kiểm soát phản ứng của chính mình. Hãy cho trẻ được thể hiện cảm xúc ra ngoài, cảm xúc dâng lên rồi sẽ hạ xuống mà không làm kéo theo các cảm xúc khác. Hãy giúp trẻ gọi tên thứ cảm xúc mà trẻ đang có. Điều đó sẽ giúp xây dựng cho trẻ một tinh thần khỏe mạnh và khả năng biểu đạt cảm xúc bằng lời nói ngày một tốt hơn. Trong ví dụ ở trên, mọi đứa trẻ ở giai đoạn 1-2-3 tuổi đều sẽ có lúc nằm lăn ra đường, khóc ngoạc mồm và không chấp nhận bất cứ điều gì một khi đã dỗi – đó là những gì người lớn nhìn thấy. Ở bên trong, trẻ đang có một cảm xúc vô cùng mạnh – giống như núi lửa vậy – cảm xúc đó sẽ trào ra ngoài mà không ai có thể ngăn cản nổi. Khi đó, điều cha mẹ cần làm là ở bên và cho phép trẻ được giải phóng hết cảm xúc ra ngoài. Không dạy dỗ cũng không cần phải an ủi trẻ vào lúc này. Đợi khi cảm xúc của trẻ lắng xuống, trẻ phải thấy cha mẹ ở đó như một bến bờ an toàn, đầy yêu thương và thấu hiểu. Sau đó, cha mẹ hãy ôm con vào lòng và nói, “Tất cả qua rồi. Mẹ hiểu con đã rất rất buồn vì mẹ không cho phép con ăn chiếc bánh đó. Mẹ biết đó là chiếc bánh con thích nhất trên đời”. Hãy thể hiện tình yêu và nêu tên sự việc là đủ. Nếu trong lúc ăn vạ mà trẻ tự làm đau mình hay người khác thì sao? Nhiều trẻ sẽ đánh cha mẹ khi cảm xúc lên quá cao. Vẫn nhớ rằng: trẻ chỉ đang tìm cách để giải tỏa hết cảm xúc khó chịu bên trong mình, và trẻ không thể kiểm soát được hành vi lúc đó. Chấp nhận nếu hành vi đó không quá đau hay gây thương tích, trẻ đánh bạn không phải vì trẻ ghét bạn mà vì trẻ vô cùng tin tưởng bạn sẽ tha thứ. Nếu trẻ quá thường xuyên tự làm đau mình, như đập đầu vào tường khi tức giận, hãy cho trẻ tới thăm khám một bác sĩ.
2. Nhu cầu được khám phá và chơi tự do trong ngưỡng an toàn
Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu được chơi tự do: chơi không có sự can thiệp của người lớn, được tự lựa chọn chơi cái gì, chơi như thế nào, chơi bao lâu… là một nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển. Hơn nữa, trẻ được tự do khi chơi sẽ dễ dàng hợp tác hơn khi tiếp nhận các nguyên tắc của người lớn (như không được ném đồ ăn…). Vai trò của chúng ta để trẻ được chơi tự do là: chuẩn bị môi trường an toàn, cung cấp vật liệu chơi phong phú và cho trẻ thời gian “muốn làm gì thì làm”. Trong ví dụ trẻ với đôi giày cao gót của mẹ, cần thấy rằng nhu cầu trẻ muốn thử đi chiếc giày “lạ lùng” này là hoàn toàn đúng đắn. Nếu là tôi, tôi sẽ cảm thấy rất thoải mái cho trẻ được thử. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trẻ có quyền được khám phá không có nghĩa là trẻ được làm thế mọi lúc mọi nơi, mà phải trong hoàn cảnh an toàn và phù hợp. Nếu trẻ đòi đi chiếc giày cao gót đó ra ngoài đường hay trên nệm sofa? Chắc chắn người lớn sẽ cần can thiệp ở đây.
KHI NÀO CẦN CÓ NGUYÊN TẮC?
1. Khi trẻ không an toàn
Trong các trường hợp cần phải giữ an toàn cho trẻ hoặc vì sức khỏe của trẻ, bạn sẽ cần có nguyên tắc. Trong ví dụ cụ thể ở trên, khi trẻ khóc ăn vạ mà đập đầu xuống đất hay vùng vằng bỏ chạy ra đường thì cha mẹ không những cần bình tĩnh mà còn cần hướng dẫn hành vi cho trẻ. Nếu có thể đặt hai bàn tay xuống dưới đầu trẻ và nói, “Mẹ sẽ để tay ở đây để con không tự làm đau mình”, hoặc phải đưa trẻ ra một nơi khác an toàn hơn, chỉ cần tách trẻ ra khỏi tình huống/ địa điểm đó thì cơn giận của trẻ cũng sẽ giảm xuống. Khi trẻ đòi đi giày cao gót của mẹ, có thể xảy ra 2 trường hợp: 1 là trẻ có nhu cầu khám phá đồ vật mới, 2 là trẻ có nhu cầu thử giới hạn, trẻ muốn thử xem cha mẹ có cho phép mình làm điều đó hay không? Cha mẹ sẽ có thái độ gì? Sẽ nói gì? Trẻ có quyền được khám phá nhưng phải trong hoàn cảnh phù hợp và an toàn. Nếu bạn có thời gian trông chừng con lúc đó, cho phép con xỏ thử chân vào giày và đứng lên.
2. Khi trẻ đang muốn thử giới hạn
Nếu trẻ đã được thử đứng trên giày cao gót của mẹ rồi và trẻ lại nhất quyết đòi đi đôi giày đó ra ngoài đường, tức là trẻ đang thử giới hạn của bạn. Vậy hãy là người đưa ra giới hạn và hướng dẫn trẻ. Hãy bình tĩnh và đầy yêu thương nếu bạn muốn hướng dẫn được trẻ. Bạn có thể nói “Mẹ biết con rất thích đôi giày này của mẹ, con có thể đi nó trong nhà, nhưng không được đi ra ngoài đường. Không phải bây giờ”. Cho trẻ được lựa chọn “Bây giờ con muốn đi giày của con, hay là đi chân đất?”. Tôi đoán rằng trẻ sẽ vui vẻ chọn một trong hai, hoặc từ chối và tỏ một chút thái độ thất vọng.
3. Trong lúc di chuyển
Trẻ nhỏ có xu hướng cảm thấy khó chịu và cần nhiều thời gian chuyển giao tâm lý khi trẻ phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy, trong lúc cần phải di chuyển, cha mẹ hãy giúp đỡ nhiều hơn và giảm các lựa chọn cho trẻ. Ví dụ, trẻ chỉ nên có hai đôi giày để thay khi ra ngoài, hoặc khi trẻ đòi đi giày cao gót đến lớp thì cha mẹ chỉ cho trẻ lựa chọn “Con tự đi bộ hay cha mẹ sẽ bế con?”. Lúc này, nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ loay hoay với đôi giày cao gót trong khi đang cần đi đến lớp đúng giờ, tức là cha mẹ đang nuông chiều trẻ không đúng lúc.
4. Nuôi dưỡng mối quan hệ
Việc nuôi dạy trẻ có một mục đích rất lớn là nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp giữa trẻ và cha mẹ – mối quan hệ đầu tiên và cũng quan trọng nhất đối với trẻ. Để một mối quan hệ trở nên tốt đẹp luôn cần sự tham gia của cả hai bên, vì vậy, cảm xúc/nhu cầu của trẻ và cảm xúc/nhu cầu của bạn thì đều quan trọng như nhau. Nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn trước các hành vi “gây căng thẳng” của trẻ, không để các hành vi đó thường xuyên xảy ra khiến bạn khó chịu và trẻ cũng khó chịu. Ví dụ, nếu bạn cho rằng chơi với giày cao gót của mẹ là một việc không bao giờ nên cho phép (vì lý do nào đó như đôi giày rất đắt tiền, vì không an toàn…), bạn có thể cất đôi giày ở ngoài tầm mắt của trẻ, bạn cũng có thể đưa ra nguyên tắc “không là không” với trẻ về một số việc nhất định. Điều đó không chỉ đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn giữ cho mối quan hệ giữa hai mẹ con khỏi “căng thẳng”. Cách làm này cũng áp dụng cho trẻ trong khi chơi. Nếu bạn có nguyên tắc không cho trẻ chơi với một số thứ nhất định như chùm chìa khoá, ipad, hộp trang điểm hay giày cao gót… thì tốt nhất là bạn đừng để chúng ở khu vực chơi/phòng của trẻ. Một khu vực chơi lý tưởng cho trẻ là trẻ được tự do khám phá mọi thứ, tự do lựa chọn chơi với cái gì, chơi như thế nào mà không có nhiều can thiệp từ người lớn như “không được chơi cái đó!” “cái này rất nguy hiểm!” “đưa cho mẹ ngay!”… Khi thường xuyên bị cấm đoán, trẻ sẽ có xu hướng phản kháng và điều đó khiến chúng ta quát mắng con. Là cha mẹ, chúng ta chắc chắn là người đã “hi sinh” rất nhiều thứ cho con.
Nhưng đừng để việc hi sinh đó (nhất là hi sinh tất cả nhu cầu được yên ổn/ cảm xúc bình an của mình) trở thành nỗi ấm ức bên trong bạn khiến cho mối quan hệ trong gia đình dần bị bào mòn. Hãy tự hào vì bạn cũng biết “ích kỷ” một chút vì làm như vậy là bạn đang bảo vệ cho mối quan hệ của lâu dài của hai bên.
Theo Janet Lansbury
TOMIA – Hệ thống quản lý trường học