Đầu tiên, phần mềm giáo dục Tomia mong muốn tất cả mọi người hiểu rằng, Montessori không kỳ thị hay bài trừ truyện cổ tích cho trẻ. Ai cũng biết, cổ tích là một thành tựu về mặt tinh thần của con người đáng được chúng ta trân trọng và giữ gìn. Tuy nhiên, 6 năm đầu đời là những năm tháng trẻ mới bước vào cuộc sống, làm quen với cuộc sống, trẻ phải học hỏi để thích nghi với cuộc sống xung quanh cho nên trong 6 năm này, trẻ cần biết về “sự thật (người thật – việc thật)” của cuộc sống trước. Sau 6 tuổi, nhận thức của trẻ đã phát triển chúng ta có thể giới thiệu về truyện cổ tích cho trẻ, lúc này trẻ dễ dàng tưởng tượng ra câu chuyện và hiểu được ý nghĩa của câu chuyện, biết được đâu là thật đâu là hư cấu và phát triển trí tưởng tượng của trẻ.
Trẻ 0-6 tuổi cần những trải nghiệm thực tế để hiểu về thế giới mà trẻ đang sống, một thế giới sống động chứa đựng biết bao nhiêu là điều mới lạ đối với con trẻ. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, một em bé bỏ vào miệng bất cứ điều gì mà em bé cầm được để cảm nhận bằng vị giác, hay một em bé biết bò sẽ bò khắp mọi ngóc ngách trong nhà để khám phá mọi thứ. Bất cứ đồ vật gì cũng có sức hấp dẫn khiến em bé khát khao sờ chạm. Điều đó thể hiện rằng, thế giới xung quanh trẻ hấp dẫn đến nhường nào và nhu cầu học hỏi trong con người trẻ mới mạnh mẽ ra sao.
Người lớn luôn thắc mắc rằng, “tại sao trẻ lúc nào cũng bận rộn luôn tay, luôn chân không biết mệt mỏi?” – Sự bận rộn đó xuất phát từ nhu cầu nội tại của đứa trẻ, đó là nhu cầu học hỏi, trải nghiệm cuộc sống. Do vậy, trong giai đoạn này, chúng ta cung cấp cho trẻ những câu chuyện đơn giản là một phần của cuộc sống cho trẻ, những câu chuyện viết về thực tế cuộc sống như: cá bơi dưới nước, chim bay trên trời, chú chó chạy trên cánh đồng, gà đẻ trứng….đó là nguồn tư liệu sống giàu có bồi đắp tinh thần cho trẻ. Đó có thể là những câu chuyện thực tế nhưng trẻ chưa có cơ hội trải nghiệm, điều đó tạo ra sự hứng thú với những điều mới mẻ của trẻ, trẻ tin tưởng và mong muốn trải nghiệm nó.
Nếu truyện cổ tích cho trẻ được giới thiệu trong giai đoạn này thì sao? Một điều chắc chắn là trẻ sẽ vẫn thích thú, bởi trẻ đang trong giai đoạn hứng thú với mọi thứ từ cuộc sống mang lại và trẻ luôn tin tưởng với tất cả những gì trẻ tiếp nhận lúc này, thậm chí còn coi đó là chân lý. Trẻ vẫn tin rằng, cáo thì gian ác, quạ biết nói, bà tiên với cây gậy có thể biến ra nhiều thứ… nhưng khi trải nghiệm thực tế, tâm trí trẻ phải mất rất nhiều thời gian và năng lực để phân tích và sắp xếp đâu là thật? Đâu là giả? Như vậy có lãng phí thời gian của trẻ không? Có phải chúng ta vô tình gây trở ngại cho việc tiếp nhận thông tin của trẻ không? Thay vì cung cấp sự thật, chúng ta lại cung cấp cho trẻ những câu chuyện viễn tưởng, để trẻ nhọc công phân tích, suy nghĩ. Bên cạnh đó, việc liên tục kể cho trẻ nghe những câu chuyện hư cấu còn khiến trẻ mất niềm tin vào người lớn khi mà chuyện mẹ kể một đường và sự thật lại một nẻo. Thậm chí còn tự làm khó mình khi trẻ hỏi ngược lại, “Mẹ ơi! Tại sao siêu nhân bay được thế mẹ? Tại sao con không bay được?….
Chúng ta đều biết, ý nghĩa của những câu chuyện cổ tích luôn được ẩn chứa sâu xa, sau mỗi câu chuyện là một triết lý sống mà con người muốn gửi gắm vào đó thông qua hình ảnh loài vật hay sự màu nhiệm nào đó. Nhưng trẻ 0-6 tuổi, các khái niệm về cuộc sống trẻ còn chưa nhận thức được hết thì liệu trẻ có đủ hiểu biết để hiểu được những bài học đạo đức thông qua những câu chuyện đó không. Ngay bản thân một đứa trẻ 6 tuổi cũng không chắc đã hiểu cặn kẽ về xấu- tốt, ích kỷ – cao thượng… thì làm sao trẻ nhìn được sự trừu tượng ẩn chứa đằng sau, nào là ác giả-ác báo, ở hiền gặp lành….Trẻ chỉ nhìn thấy bề nổi là quạ biết nói chuyện với người, cô bé khóc là có bà tiên hiện ra.
Vậy, trẻ 6 tuổi chúng ta dạy trẻ đạo đức bằng cách nào? Trẻ dưới 6 tuổi học “đạo đức” bằng cách thẩm thấu trực tiếp những gì trẻ thấy trong cuộc sống. Cách người lớn đi đứng, ăn, nói, cư xử như thế nào thì trẻ sẽ lặp lại y hệt như vậy không phân biệt đúng sai, bởi trẻ luôn coi người lớn (đặc biệt là cha mẹ và cô giáo) là hình mẫu lý tưởng của trẻ. Vì thế, người lớn hãy là một tấm gương cho trẻ thay vì kể những câu chuyện cổ tích để răn dạy đạo đức.
Những câu chuyện thực tế đáp ứng nhu cầu của trẻ trong giai đoạn này và sẽ là niềm tin khi trẻ tiếp nhận nó. Niềm tin ấy được củng cố và càng bền vững hơn khi mà trẻ nhận ra cuộc sống bên ngoài cũng giống như trong những trang sách hay những câu chuyện. Những mẩu chuyện thực tế ngắn gọn sát với thực tế và cung cấp sự thật cho trẻ không chỉ là tư liệu sống cho trẻ mà còn làm giàu vốn từ trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ và làm nguyên liệu thô, nguyên liệu nền tảng cho trí tưởng tượng và sáng tạo sau này của trẻ.
Theo giáo viên Montessori của Mota sưu tầm và biên soạn.
TOMIA – Hệ thống quản lý trường học