Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn


Nhiều năm về trước mọi người cho rằng trẻ chỉ nên bắt đầu được giáo dục khi lên 6 tuổi. Điều này nghe có vẻ là đúng bởi lẽ người ta cho rằng, giáo dục có nghĩa là dạy và học. Và việc dạy và học chỉ có thể diễn ra khi trí thông minh đã phát triển hoàn toàn.


Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh rằng con người phát triển 50-60% trí thông minh trong khoảng thời gian từ lúc thụ thai cho đến lúc 4 tuổi và thêm 30% trong khoảng từ 4 tuổi đến 8 tuổi. Sau khoảng thời gian đó, chỉ có một phần rất ít được phát triển thêm. Điều này, dẫn dắt các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ phải bắt đầu công việc giáo dục sớm hơn thậm chí là trước khi em bé được sinh ra – CỤ THỂ HƠN GỌI LÀ GIÁO DỤC ĐẦU ĐỜI.


Trẻ con trong giai đoạn 0-3 tuổi là một tờ giấy trắng mà bất cứ một nét mực sai lệch nào cũng sẽ in hằn theo thời gian. Vậy nhu cầu của con liệu có phải chỉ có ăn ngoan – ngủ tốt?

 

Cha mẹ giáo dục sớm cho trẻ giúp trẻ có thể phát triển toàn diện trong tương lai


Theo nhận định của những chuyên gia giáo dục, hệ thống giáo dục ngày nay đang nhầm lẫn giữa “Giai đoạn nuôi dạy nghiêm khắc” với “Giai đoạn để trẻ tự do”. Đó là lí do vì sao các ông bố bà mẹ luôn “thả rông” con trong 6 năm đầu đời rồi lại bắt đầu “thúc ép” trong 12 năm, thậm chí là 18 năm tiếp theo để con được “bằng bạn bằng bè”.


Các nhà khoa học đã chứng minh, đứa trẻ học ngay từ khi còn trong bụng mẹ và thẩm thấu tất cả những gì mà môi trường xung quanh mang đến cho trẻ. Tiến sĩ Maria Montessori nói rằng giáo dục là để hỗ trợ cho cuộc sống, giáo dục phải bắt đầu từ lúc sinh ra. Đứa bé mới sinh thường được hưởng những chăm sóc về mặt vệ sinh, ĂN VÀ NGỦ. Thậm chí cả tiếng khóc của bé cũng diễn tả rất nhiều về mặt cảm xúc hoặc tâm sinh lý, đó có thể là khóc do đói, khóc do buồn ngủ, khóc vì sợ hãi hoặc là vì cần ôm ấp… Thỉnh thoảng, tiếng khóc còn được xem như là một bài tập cho hệ hô hấp của trẻ. Có bao nhiêu sự thể hiện cho một tiếng khóc như vậy nhưng đều bị hiểu nhầm và diễn dịch sai bởi cha mẹ hoặc của những người chăm sóc trẻ. Có bao nhiêu nỗi đau đã bị gây ra bởi những lỗi cẩu thả hiển nhiên như vậy đối với nhu cầu của trẻ? Cha mẹ có thật sự hiểu nhu cầu của con mình?

Qua nhiều năm nghiên cứu về khả năng của não bộ, khoa học đã đưa ra những minh chứng rõ ràng khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, giai đoạn này là “thời kỳ thích hợp” để “nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh”.

Các nghiên cứu này cũng đã chỉ ra những khả năng kinh ngạc của trẻ mà nhiều cha mẹ chưa biết như: trẻ 3 tháng tuổi có thể cảm nhận được nhạc cổ điển, 6 tháng tuổi có thể học bơi, trẻ có thể tiếp thu mọi kiến thức từ 0-3 tuổi và học mọi thứ mà trẻ hứng thú.

Các bé được nghe nhạc và học nhạc từ sớm, được dạy chữ sớm, thường xuyên trò chuyện với cha mẹ và được đi dạo, đi công viên hay tham quan viện bảo tàng. Các bé được hướng dẫn cách tự lập, tự xúc ăn và tự làm vệ sinh cá nhân. Những ông bố bà mẹ áp dụng phương pháp giáo dục sớm sẽ luôn cố gắng hiểu tâm lý của con, đề cao sự khuyến khích, khen ngợi trẻ và nói không với việc la mắng khi trẻ làm sai.


Đã đến lúc cha mẹ và các thầy cô giáo nên hiểu rõ ý nghĩa và bản chất của hai chữ “giáo dục”. Nếu chờ đến đến trẻ lên 2 lên 3 mới bắt đầu dạy trẻ, mới hướng dẫn trẻ hoặc là chúng ta không hiểu biết, không hiểu rõ nhu cầu và các giai đoạn phát triển của trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã cướp đi thời gian vàng của trẻ.


Cre: Những giáo viên Montessori Mota

TOMIA – Hệ thống quản lý trường học

Contact Me on Zalo