Hiểu đúng về tính kỷ luật trong phương pháp giáo dục Montessori

Khi nghĩ đến từ kỷ luật bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh trẻ ngồi trật tự khoanh tay trên bàn, chăm chú lắng nghe cô giáo nói. Không lấy đồ chơi của bạn, không đánh bạn, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, thầy cô…

Bạn có thể cho rằng, nếu trẻ không tuân theo kỷ luật thì sẽ nhận được những kết quả không mấy tích cực như là bị gọi là hư hỏng, bị phạt, bị quở mắng… Nhưng tất cả những hiểu biết của chúng ta về kỷ luật như trên đều là do người lớn áp đặt cho trẻ và có phần sai lệch.

Trong phương pháp giáo dục Montessori, kỷ luật không như thế. Kỷ luật trong Montessori mang ý nghĩa tích cực và làm việc có chủ đích. Bà Maria Montessori đã nói: “Chúng tôi có một khái niệm khác về kỷ luật. Kỷ luật mà chúng tôi đang tìm kiếm là một khái niệm tích cực”.

Montessori tin rằng một người có kỷ luật là một người làm chủ được những hành vi của mình và người đó phải tuân thủ các quy tắc trong cuộc sống từ chính mong muốn của người đó. Mục đích của kỷ luật trong Montessori không phải là vâng lời mà là sự TỰ KỶ LUẬT. Đó là lý do tại sao trong lớp học Montessori không có các phần thưởng để làm công cụ điều chỉnh hành vi của trẻ, không có các lời dọa dẫm, những câu mệnh lệnh bắt trẻ phải làm ngay lập tức, những cái chỉ tay vào mặt trẻ đầy ám ảnh…

Trong lớp học theo phương pháp giáo dục Montessori, chúng ta rất dễ dàng nhận ra một đứa trẻ mới tham gia vào lớp học bởi vì: Em bé đó thường đi loanh quanh từ chỗ này sang chỗ kia, làm gián đoạn hoạt động của các bạn khác, sử dụng giọng nói to và còn có lúc ném học cụ xuống sàn. Tuy nhiên những vấn đề này sẽ chỉ diễn ra một vài tháng thôi, hoặc bé quay lại học sau kỳ nghỉ hè, nghỉ tết hoặc những bé không đi học thường xuyên. Sau đó, bạn sẽ thấy hình ảnh một em bé ngồi tại bàn và làm việc rất tập trung. Bạn sẽ thấy em bé đó đi bộ nhẹ nhàng trong lớp học, tuân thủ nội quy lớp học một cách sẵn sàng và tự nguyện. Bạn sẽ thấy em bé đó cất học cụ về đúng vị trí vừa lấy ra và cũng là em bé đó cư xử rất lịch thiệp và đúng đắn với bạn bè của mình.

Để có được sự TỰ KỶ LUẬT này, một môi trường được chuẩn bị cho trẻ là yếu tố thiết yếu. Ở môi trường này, trẻ được tự do di chuyển, tự do làm việc và tự do giao tiếp. Và điều quan trọng nhất là thiết lập giới hạn, nguyên tắc cho những tự do đó và người lớn phải làm mẫu cho những giới hạn này. Lúc đầu trẻ có thể thấy bối rối và khó khăn nhưng dần dần trẻ sẽ thấy an toàn và tuân thủ nó. Ví dụ, trẻ tự do làm việc với học cụ trẻ thích nhưng giới hạn trong thảm làm việc của riêng trẻ, không để học cụ ra sàn. Trẻ có quyền đi lại trong lớp học nhưng phải đi một cách nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khi trẻ tự nhận ra kỷ luật thì trẻ sẽ chủ động tuân thủ nó một cách tự nguyện chứ không phải là tuân thủ vì sợ hãi hay làm theo yêu cầu của người lớn.

Theo giáo viên Montessori tại Mota

TOMIA - Hệ thống quản lý trường học

Contact Me on Zalo